Thứ Hai, 1 tháng 1, 2001

Đông y điều trị vô sinh

Trong y học cổ truyền, vô sinh cũng được chia làm hai loại: Vô sinh nam và vô sinh nữ. Vô sinh nam thuộc phạm vi các chứng bệnh như: Bất dục, vô tử, tuyệt dục, nam tử nán tự, vô tinh, thiểu tinh, lãnh tinh… Vô sinh nữ thuộc phạm vi các chứng bệnh như: Bất dựng, toàn vô tử, đoạn tự, chủng tử, tử tự, tự dục, cầu tự…

Nguyên nhân nào dẫn đến vô sinh ?

Với vô sinh nam: Có 7 nguyên nhân chính bao gồm bẩm thụ tiên thiên bất túc, tinh khí suy nhược (yếu tố di truyền, dị tật bẩm sinh); mệnh môn hỏa suy, tinh khí hư lãnh (rối loạn nội tiết tố nam, tinh dịch lỏng loãng và lạnh, chất lượng và số lượng tinh trùng suy giảm); đàm trọc ứ huyết, trở tắc tinh đạo (các bệnh gây rối loạn chuyển hóa và nội tiết, những yếu tố gây hẹp tắc đường dẫn tinh); tửu thực bất điều, thấp nhiệt hạ chú (ăn uống không điều độ, nghiện rượu, viêm nhiễm đường tiết niệu sinh dục do nguyên nhân nội sinh); tình chí bất toại, can kinh uất trệ (yếu tố gây sang chấn tâm lý, tinh thần); cửu bệnh lao quyện, khí huyết khuy hư (mắc các bệnh mạn tính lâu ngày gây suy nhược cơ thể, suy giảm tính dục, suy giảm chất lượng và số lượng tinh trùng); di trọc nội tích, dâm độc thâm nhiễm (viêm nhiễm bộ phận sinh dục, đặc biệt là phần dưới, do nguyên nhân cảm nhiễm bên ngoài).

Đông y điều trị vô sinhĐông y điều trị vô sinh gồm tổng thể nhiều biện pháp như dùng thuốc, bấm huyệt…

Với vô sinh nữ: Có 6 nguyên nhân chính gồm thận hư (thận dương hư và thận âm hư, “Thận” ở đây với ý nghĩa là một cơ quan chủ về thủy dịch, chủ về đại tiểu tiện, nội tiết và sinh dục theo quan điểm của y học cổ truyền. Nguyên nhân “thận hư” bao gồm các yếu tố gây rối loạn nội tiết và sinh dục dẫn đến vô sinh); huyết hư (huyết là cơ sở vật chất của kinh nguyệt, huyết hư là những yếu tố gây nên tình trạng thiếu máu và rối loạn kinh nguyệt như mắc các bệnh mạn tính, mất máu kéo dài…); can uất (là những yếu tố gây sang chấn tâm lý, căng thẳng tinh thần kéo dài); đàm thấp (là những nguyên nhân gây nên bệnh lý rối loạn nội tiết, rối loạn chuyển hóa, gây trở tắc vòi trứng, ứ trệ trong tử cung…); thấp nhiệt (là những yếu tố gây viêm nhiễm bộ phận sinh dục); huyết ứ (là những nguyên nhân gây ứ trệ huyết dịch, làm cản trở công năng của bào cung, khiến cho quá trình thụ thai bị trở ngại).

Đông y điều trị vô sinh như thế nào ?

Để trị liệu vô sinh, cũng như đối với các chứng bệnh khác, nguyên tắc chung của đông y là phải đảm bảo tính toàn diện, nghĩa là ngoài việc dùng thuốc, cần chú ý đồng thời sử dụng nhiều biện pháp không dùng thuốc như châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, tập luyện khí công dưỡng sinh, tâm lý liệu pháp, dược thiện (món ăn - bài thuốc), điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt cho phù hợp… Đương nhiên, việc dùng thuốc vẫn giữ một vai trò hết sức quan trọng và thường được tiến hành theo hai hướng: Biện chứng thi trị và biện bệnh thi trị.

Biện chứng thi trị hay còn gọi là biện chứng luận trị, là phương thức trị liệu dựa trên cơ sở chứng trạng và thể bệnh cụ thể mà tiến hành lựa chọn các vị thuốc và bài thuốc cho phù hợp. Biện bệnh thi trị là phương thức dựa trên cơ chế bệnh sinh chủ yếu của bệnh mà xây dựng một bài thuốc hoặc một phác đồ điều trị chung cho nhiều thể bệnh. Phương pháp trị liệu vô sinh nam và vô sinh nữ không giống nhau.

Đông y điều trị vô sinhCác vị trong bài thuốc Long đởm tả can thang điều trị vô sinh nam.

Với vô sinh nam

Thường tiến hành biện chứng luận trị theo tám thể bệnh:

Với thể Thận âm khuy hư phải tư âm bổ thận, điền tinh chủng tử, thường chọn dùng bài thuốc Ngũ tử diễn tông hoàn phối hợp với Tả quy ẩm gia giảm.

Với thể Thận dương bất túc phải ích thận ôn dương, bổ tinh, thường chọn dùng bài thuốc Ngũ tử diễn tông hoàn phối hợp với Kim quỹ thận khí hoàn gia giảm.

Với thể Khí huyết khuy hư phải ích khí kiện tỳ, dưỡng huyết sinh tinh, thường dùng bài thuốc Bát trân sinh tinh thang gia giảm.

Với thể Tỳ thận lưỡng hư phải ôn bổ tỳ thận, ích khí sinh tinh, thường chọn dùng bài thuốc Thập tử thang phối hợp với Lục quân tử thang gia giảm.

Với thể Thấp nhiệt hạ chú phải thanh nhiệt lợi thấp, tiêu thũng giải độc, thường chọn dùng bài thuốc Long đởm tả can thang phối hợp với Tỳ giải thẩm thấp thang gia giảm.

Đối với bệnh lý vô sinh, đông y cũng có một bề dày kinh nghiệm chẩn trị dựa trên một hệ thống cơ sở lý luận chặt chẽ và vững chắc. Nhưng ở nước ta cho đến nay, những công trình nghiên cứu khoa học và nghiêm túc về vấn đề này còn rất hiếm hoi.

Với thể Đàm trọc ngưng trệ phải hóa đàm lý khí, hóa kết thông lạc, thường dùng bài thuốc Thương phụ đạo đàm thang gia giảm.

Với thể Huyết ứ trở trệ phải hoạt huyết hóa ứ thông tinh, thường dùng bài thuốc Huyết phủ trục ứ thang gia giảm.

Với thể Hàn trệ can mạch phải noãn can tán hàn, ôn kinh hành khí, thường dùng bài thuốc Noãn can tiễn gia giảm.

Với vô sinh nữ

Thường tiến hành biện chứng luận trị theo mười thể bệnh:

Với thể Thận dương hư phải ôn thận noãn cung, ích xung chủng tử, thường chọn dùng bài thuốc Hữu quy hoàn phối hợp với Nhị tiên thang gia giảm.

Với thể Thận âm hư phải tư thận ích tinh, dưỡng xung chủng tử, thường chọn dùng bài thuốc Tả quy hoàn phối hợp với Nhị chí hoàn gia giảm.

Với thể Khí huyết hư nhược phải ích khí dưỡng huyết, điều kinh chủng tử, thường dùng bài thuốc Lưu lộc trân gia giảm.

Với thể Can khí uất kết phải sơ can giải uất, điều kinh chủng tử, thường dùng bài thuốc Khai uất chủng ngọc thang gia giảm.

Với thể Khí trệ huyết ứ phải lý khí hoạt huyết, hóa ứ chủng tử, thường dùng bài thuốc Cách hạ trục ứ thang gia giảm.

Với thể Hàn ngưng huyết ứ phải ôn thông tán hàn, hóa ứ chủng tử, thường dùng bài thuốc Thiếu phúc trục ứ thang gia giảm.

Với thể Nhiệt ứ hỗ kết phải hoạt huyết hóa ứ, thanh xung chủng tử, thường chọn bài thuốc Giải độc hoạt huyết thang gia giảm.

Với thể Khí hư huyết ứ phải bổ ích khí huyết hóa ứ chủng tử, thường dùng bài thuốc Đương quy bổ huyết thang gia giảm.

Với thể Thấp nhiệt uẩn kết phải hóa thấp giải độc, thanh xung chủng tử, thường chọn dùng bài thuốc Ngũ vị tiêu độc ẩm gia giảm.

Với thể Đàm thấp phải kiện tỳ hóa thấp, hóa đàm chủng tử, thường chọn dùng bài thuốc Thương phụ đạo đàm thang gia giảm.

Ngoài phương thức biện chứng luận trị, trong trị liệu vô sinh, các thầy thuốc đông y còn sử dụng phương thức biện bệnh thi trị bằng các hình thức như: Dùng phương thuốc dân gian, dùng tân phương (là các phương thuốc tự xây dựng, để phân biệt với cổ phương) hoặc các đông dược thành phẩm.

Tóm lại, đối với bệnh lý vô sinh, đông y cũng có một bề dày kinh nghiệm chẩn trị dựa trên một hệ thống cơ sở lý luận chặt chẽ và vững chắc. Đương nhiên, do hạn chế của lịch sử, ở một phương diện nào đó, hiệu quả thu được chưa cao hoặc không có hiệu quả, nhưng không phải vì thế mà phủ nhận hoàn toàn. Thực tế hiện nay, ở nhiều nước, người ta đã và đang không ngừng nghiên cứu sử dụng biện pháp của đông y, trong đó có đông dược, để trị liệu căn bệnh còn nan giải này. Rất tiếc là, ở nước ta cho đến nay, những công trình nghiên cứu khoa học và nghiêm túc của đông y về vấn đề này còn rất hiếm hoi.

ThS. Hoàng Khánh Toàn

Tự làm giảm cơn tăng huyết áp

Theo y học cổ truyền, triệu chứng tăng huyết áp là một tình trạng khí nghịch do tình chí hoặc do yếu tố lục dâm (phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa) gây ra. Giải quyết triệu chứng này đồng nghĩa với việc giáng khí, làm cho khí đang lưu chuyển ngược lên đầu sẽ hướng xuống phía dưới và tỏa ra lớp da ngoài của cơ thể.

Tuy nhiên có một điều mà ít người quan tâm là với một số động tác đơn giản của y học dân gian, người ta có thể làm giảm cơn tăng huyết áp đang phát triển để khống chế phần lớn những tác hại của nó hoặc ít ra có thể ngăn chặn những diễn biến xấu hơn trong khi bệnh nhân chờ được chuyển đến bệnh viện hoặc cơ sở chuyên môn cần thiết.

Những động tác cụ thể:

Vuốt ấm hai vành tai

Dùng ngón cái và ngón trỏ của mỗi bàn tay vuốt dọc vành tai cùng bên, từ trên xuống dưới khoảng 9, 10 lần. Vành tai và cột sống có những điểm phản xạ tương ứng với nhau, do đó vuốt ấm vành tai cũng là tác động vào cột sống lưng, vừa có tác dụng điều hòa thần kinh giao cảm, vừa kích thích sự lưu thông khí huyết ở phần vệ khí do kinh bàng quang phân bố dọc hai bên sống lưng (nếu có người thứ hai bên cạnh có thể nhờ người này trực tiếp ngồi sau lưng dùng bàn bay tay phải vuốt dọc sống lưng từ trên gáy xuống đến tận thắt lưng để gia tăng thêm tác dụng).

Vuốt dọc hai bên mũi

Mỗi bàn tay vuốt một bên mũi, vuốt đều hai bên cùng một lúc. Dùng ngón tay trỏ vuốt từ ấn đường (điểm giữa hai đầu chân mày) xuống dọc theo hai bên mũi qua khóe miệng đến tận chót cằm. Vuốt chậm, nhẹ và làm không dưới 15 lần.

Kích thích huyệt ấn đường có tác dụng làm phóng thích chất endorphine nội sinh có thể làm cho an thần, hạ huyết áp và giáng khí. Vuốt dọc theo hai bên mũi xuống cằm là tác động vào hai kinh dương minh. Học thuyết kinh lạc của y học cổ truyền cho rằng kinh dương minh là kinh dương, tập trung nhiều huyết khí, huyết; có chức năng quan trọng nhất trong việc bảo vệ cơ thể chống lại các yếu tố gây bệnh từ bên ngoài. Động tác này làm gia tăng sự lưu thông khí huyết ở phần vệ khí, gây ấm người và làm nhẹ áp lực lên thành mạch.

Vuốt dọc hai chân mày

Dùng hai ngón tay trỏ và giữa vuốt từ ấn đường đi dài theo xương chân mày ra thái dương đến tận mí tóc ở phía ngoài đuôi mắt. Vuốt mỗi bên khoảng 10 lần. Vùng chân mày và hai cánh tay có những điểm phản xạ tương ứng nhau, do đó động tác này ngoài việc giải tỏa sự sung huyết tại những huyệt vị thường bị tắc nghẽn ở vùng trán còn làm cho khí huyết lưu thông ra hai cánh tay và bàn tay để giúp nhẹ áp lực ở đầu.

Ngồi hoặc nằm thư giãn

Ngồi thoải mái, lưng tựa ghế hoặc nằm xuống thư giãn hít thở điều hoà, tư tưởng tập trung vào mười đầu ngón chân. Động tác này phải kéo dài hơn 10 phút. Mỗi khi cảm nhận được những dấu hiệu huyết áp tăng cao như căng, nặng ở vùng thái dương, đau đầu, mờ mắt, mắt đỏ..., người bệnh nên ngồi xuống, tập trung tinh thần thực hành lần lượt 4 động tác trên. Bình tĩnh và tự tin là yếu tố cần thiết trong quá trình thực hiện các động tác. Sau khoảng 15 phút thực hành, bệnh nhân có thể cảm thấy bớt đi cảm giác khó chịu ở vùng đầu, nhịp đập của tim sẽ chậm lại, tay chân sẽ ấm lên. Đó là lúc huyết áp đã hạ bớt.


Lương y Võ Hạnh Thu

Khởi động ngày mới đúng cách

Điều này là rất bất lợi cho sức khỏe, đặc biệt đối với người có tuổi và cao tuổi; người bị mắc các chứng bệnh như huyết áp thấp, tăng huyết áp, thiểu năng tuần hoàn não, rối loạn tiền đình, thoái hóa cột sống... Theo Đông y, khi mặt trời mọc là lúc âm khí suy và dương khí thịnh, trong cơ thể cũng vậy: vệ khí đã vận hành hết 25 vòng ở âm và bắt đầu vận hành tiếp 25 vòng ở dương, nhân thể chuyển từ tĩnh sang động. Ngủ thuộc âm, thức thuộc dương, đây là lúc chuyển đổi trạng thái mang tính chất bản lề rất cần thiết sự từ tốn và uyển chuyển với những thao tác đơn giản sau đây:

Nằm nguyên trên giường, toàn thân thả lỏng, từ từ thót bụng thở ra cho tận hết rồi từ từ phình bụng hít vào, rồi lại thót bụng thở ra, cứ luân phiên như vậy chừng 10 lần nhằm mục đích đào thải thán khí và tận thu dưỡng khí.

Hai bàn tay hơi khum, các ngón tay hơi xòe ra, từ chân tóc trán đẩy từ từ sao cho các đầu ngón tay sát với da đầu từ trước trán ra tới sau gáy 10 lần để làm cho đầu óc tỉnh táo, kích thích sự hưng phấn của não bộ.

Hai bàn tay đặt chồng lên nhau xoa bụng theo chiều kim đồng hồ với một lực vừa phải chừng 50 vòng sao cho toàn bụng nóng lên là được nhằm giúp khởi động dạ dày ruột và bàng quang, sẵn sàng cho việc đào thải tận hết nước tiểu và các chất cặn bã ra bên ngoài.

Dùng tay trái xát rồi bóp tay phải từ trên xuống dưới rồi từ dưới lên trên và ngược lại trong 1 phút sao cho hai tay ấm lên là được.

Hai chân duỗi thẳng, đồng thời xoay hai bàn chân theo chiều kim đồng hồ 3 vòng rồi ngược lại 3 vòng. Gấp và duỗi hết cỡ khớp gối mỗi bên 5 lần. Gấp và duỗi khớp hết cỡ mỗi bên 5 lần. Gấp khớp gối sao cho cẳng chân và đùi vuông góc rồi từ từ xoay tròn khớp háng xuôi và ngược mỗi chiều 5 vòng, làm lần lượt từng bên một. Cuối cùng hai tay bó gối, hai chân khép vào nhau rồi xoay tròn xuôi ngược mỗi chiều 5 lần.

Toàn thân duỗi thẳng, co chân phải vắt chéo sang chân trái rồi từ từ vặn người sao nửa trên cơ thể hướng sang bên phải trong khi cố đưa chân phải sang trái hết cỡ nhằm mục đích khởi động cột sống thắt lưng; và đổi chân làm ngược lại.

Luồn bàn tay phải dưới gáy bóp khối cơ cổ bên trái trong nửa phút rồi làm ngược lại dùng bàn tay trái bóp khối cơ bên phải trong nửa phút. Tiếp đó, dùng hai ngón tay cái đặt vào hai hõm dưới đáy hộp sọ cạnh khối cơ sau gáy (huyệt Phong trì) trong khi bốn ngón còn lại xòe ra ôm chặt lấy đầu, tiến hành day ấn trong 1 phút với một lực tương đối mạnh có thể chịu được nhằm mục đích khởi động cột sống cổ và làm tăng lưu lượng tuần hoàn não.

Cuối cùng, lại thả lỏng toàn thân rồi hít thở sâu như động tác đầu tiên. Sau đó hãy ngồi dậy và hoạt động bình thường.

Quy trình trên có thể gọi là bước khởi động sơ bộ ban đầu cho hoạt động của toàn bộ cơ thể sau một đêm ngủ trong trạng thái tĩnh lặng. Điều này hoàn toàn dễ hiểu và cần thiết vì trước khi tiến hành bất cứ một hoạt động thể lực nào chúng ta đều phải thực hành động tác khởi động nhằm giúp cho cơ thể dần dần thích nghi hoàn toàn với sự thay đổi trạng thái.

BS. Thanh Trà

Món ăn thuốc ngừa hen phế quản

Sang thu khí trời chuyển mùa nên thời tiết thường se lạnh khô hanh. Nhưng cũng chính thế mà các bệnh về phổi hay phát sinh hoặc tái phát. Thông thường hay gặp như viêm long đường hô hấp trên biểu hiện khô rát họng... Bởi vậy sách Nội kinh có viết: “Mùa thu dưỡng phế khí”. Từ đấy trong y học phương Đông người ta đã biết chế biến những món ăn thuốc có tác dụng phòng ngừa hoặc làm giảm nhẹ sự phát sinh và phát triển của chứng hen phế quản. Đó là những món ăn thuốc phòng chống hen phế quản trong mùa thu. Dưới đây xin giới thiệu một số món ăn thuốc để mọi người cùng tham khảo và có thể lựa chọn sử dụng khi cần thiết.

- Canh phổi lợn, nhị tử: kha tử 6g, ngũ vị tử 20 hạt, phổi lợn hay phổi bò 1 cái. Rửa sạch phổi, cho cùng các vị thuốc vào nồi nấu thành canh. Khi phổi nhừ nêm gia vị vừa miệng. Ăn cái uống nước canh, mỗi ngày 1 lần, cần ăn liền 7-10 ngày.

- Canh yến sào, bạch chỉ: Bạch chỉ 12g, yến sào 12g, đường phèn một ít. Cho thuốc vào nồi đất, nổi lửa, để nhỏ liu riu hầm kỹ đến nhừ. Bỏ bã, cho đường phèn hòa tan, chia đôi nước uống vào buổi sáng và buổi tối trong ngày. Cần uống từ 10-15 ngày liền.

- Tắc kè hầm đường phèn: Tắc kè vài con, đường phèn lượng đủ dùng. Tắc kè sấy khô tán bột. Cất đi dùng dần. Mỗi lần lấy 5-6g bột tắc kè cho đường phèn vào nấu kỹ. Uống ngày 1 lần, uống liền 1 tháng (30 ngày).

Chim sẻ.

- Trứng vịt, bách hợp, xuyên bối: Lá dâu 30g, xuyên bối 5g, bách hợp 20g, trứng vịt 2 quả. Lá dâu sắc lấy 500ml nước, xuyên bối tán bột đổ vào cùng bách hợp, rồi cho vào nồi đun cách thủy đến khi thấy bách hợp chín, đập trứng vịt cho vào, nêm đủ gia vị đun sôi nhào là được. Uống như vậy khoảng 1 tuần (7 ngày) là được.

- Phổi lợn hầm lê tuyết, xuyên bối: Phổi lợn 250g, xuyên bối mẫu 10g, lê tuyết 2 quả, đường phèn một ít. Lê tuyết cắt thành miếng, phổi lợn cũng thái miếng, tất cả cho cùng vào xuyên bối mẫu vào trong nồi đất, thả chút đường phèn vào, đổ nước hầm đến khi nhừ là được. Cần ăn thường xuyên một thời gian.

- Nhau thai hầm trùng thảo: Nhau thai tươi 1 chiếc, rửa sạch thái miếng, đông trùng hạ thảo 10-15g. Tất cả cho vào nồi đất hầm chín nêm gia vị vừa miệng. Mỗi tuần ăn 1 lần. Cần ăn liền 5-10 lần.

- Củ cải nấu mật ong: Củ cải 100g, rửa sạch cắt khúc, mật ong 15-20ml. Cho vào nấu chung chín đem ra ăn hết 1 lần. Cần ăn liền 10-15 ngày liền.

- Vịt già hầm trùng thảo. Vịt già 1 con làm sạch bỏ ruột, ngũ tạng, chặt miếng, đông trùng hạ thảo 10-15g. Cho thịt vịt già vào nồi hầm nhừ, cho đông trùng hạ thảo vào nấu tiếp 10 phút, nêm gia vị vừa đủ, đem ra ăn. Ăn tuần 1-2 lần. Cần ăn 5-10 lần liền.

- Chim sẻ hấp đường phèn: Chim sẻ 3-5 con, làm sạch lông moi bỏ ruột, bỏ vào bát tô to, thả đường phèn 15g vào bát, đậy nắp cho vào nồi hầm cách thủy chín nhừ, nêm đủ gia vị mang ra ăn hết trong ngày. Mỗi ngày ăn 1 lần. Cần ăn 10-15 ngày liền.

Bs. Hoàng Xuân Đại

Đông y điều trị vô sinh

Trong y học cổ truyền, vô sinh cũng được chia làm hai loại: Vô sinh nam và vô sinh nữ. Vô sinh nam thuộc phạm vi các chứng bệnh như: Bất dục...